--------
1 - Lịch sử hình thành của nghề đánh giày :
Phần lớn chúng ta đều biết đến nghề đánh giày đã có truyền thống lịch sử lâu đời, khi những đôi giày làm từ chất liệu da thuộc được du nhập vào nước ta từ thời Pháp thuộc đã bắt đầu hình thành nên văn hóa đánh giày. Cho đến thời kỳ mở cửa sau bao cấp, làn sóng đồ da lúc bấy giờ cũng trở nên cực kì mạnh mẽ. Hầu như người người nhà nhà đều sở hữu cho riêng mình những sản phẩm đồ da hàng 2nd. Đặc biệt phổ biến phải kể đến là áo khoác da và bốt da.
Nếu như ở Châu Âu ngoài đường xá cơ sở hạ tầng tốt nên giày ít hỏng nặng, thì tập tính người dân lại rất coi trọng giày (cách mạng công nghiệp) và coi trọng người chăm sóc giày. Đó là một công việc có giá trị và được coi trọng.
Việt Nam mình thì có phần ngược lại. Mặc dù đường xá cơ sở hạ tầng khó khăn để anh em chơi giày bền đẹp hơn. Thời tiết khí hậu cũng không hề ủng hộ cho những tay chơi sưu tầm giày da. Nhưng tinh thần về bảo quản và chăm sóc giày vẫn còn ở mức rất hạn chế. Và công việc đánh giày truyền thống, cũng vì thế hay bị xem nhẹ. Hình ảnh của những đôi dép lê xanh (dùng để cho khách xỏ chờ khi đánh giày), giỏ làn đỏ đựng các loại bàn chải to nhỏ, vài tấm khăn cũ, chai nước, chai cồn...kèm theo một cái ghế đẩu nho nhỏ để tiện cho việc ngồi xử lý giày tại chỗ. Có lẽ những hình ảnh mình vừa điểm qua đã trở nên hết sức quen thuộc với hầu hết anh em. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ bậc cha chú cho đến bây giờ là chúng ta.
Thế nhưng, thời đại phát triển và không phải nơi đâu cũng có thể mưu sinh với nghề đánh giày. Theo như cách nghĩ đơn giản của mọi người là vốn đầu tư ít ( chỉ cần bỏ ra một khoản nhỏ mua vật dụng và bán sức lao động đánh bóng giày là kiếm lời cả ngày). Đã khá lâu rồi mình không còn bắt gặp cảnh anh chị trẻ tuổi hoặc cô cậu bé đi khắp các quán cà phê để chào mời đánh giày vào buổi sáng nữa. Phần vì chính sách xã hội, phần vì nhu cầu về đánh bóng vệ sinh giày cũng ngày một nâng cao hơn. Nên sự cạnh tranh đã khiến những người đi đánh giày dạo khó kiếm việc hơn so với các tiệm nhỏ. Mô hình tiệm đánh giày truyền thống hiện nay khá phổ biến. Với một tủ kính nhỏ đựng giày đã xử lý, hoặc đồ dụng vật dụng bán kèm như dây giày, lót giày. Cùng các lọ xi đã được nâng cấp lên với thêm màu nâu, không màu, vàng bò. Hoặc tiện lợi nhanh chóng còn có cả xi nước bóng nhanh loại đầu mút. Quan trọng hơn ở tiệm như này, thường nhận cả khâu dán đế, dán keo giày, sửa giày... Như vậy, theo thời gian thì nghề đánh giày truyền thống cũng đã có sự xoay vần và thay đổi khá đáng kể. Đồ đạc vật dụng sử dụng cũng được nâng cấp và cập nhật theo nhu cầu khách hàng lên rất nhiều so với thưở sơ khai cách đây vài thập niên.
2. Phân biệt và so sánh đánh giày truyền thống vs chăm sóc giày chuyên nghiệp.
Với sự phát triển của ngành giày da nói riêng, và các dòng sản phẩm giày khác được ưa chuộng và tin dùng ngày càng nhiều. Người tiêu dùng và đam mê giày sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho không chỉ một đôi giày. Giá trị của giày tăng cao, Nhu cầu về vệ sinh và làm mới giày cũng nhờ đó mà ngày càng phát triển. Kĩ thuật và quy trình khi đánh giày cũng vì thế mà nâng cao, và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, kĩ năng và kiến thức am hiểu về giày nhiều hơn. Không chỉ đơn thuần ở việc làm sao để đôi giày trông thật bóng như trước nữa.
Nhân dịp cuối tuần, mình xin dành chút thời gian để chia sẻ cùng mọi người về góc nhỏ suy nghĩ về công việc chăm sóc và làm đẹp này.
Để phân tích chi tiết về đánh giày truyền thống - được định nghĩa đơn giản bao gồm hai bước là làm vệ sinh cơ bản (bụi bám trên giày) và đánh bóng (với xi sáp hoặc xi nước dạng đầu mút). Đáp ứng nhu cầu của người dùng cần sự nhanh chóng, tiện lợi. Miễn làm sao để giày nhìn trông sạch hơn và bóng hơn là được. Thời gian của mỗi đôi giày qua xử lý thường từ 10 - 30 phút có thể lấy ngay.
Còn với chăm sóc giày chuyên nghiệp thì sao?
Bước vệ sinh và đánh bóng giày trong "Đánh giày" chỉ là hai trong những bước cơ bản của một quy trình cơ bản khi bước vào chăm sóc một đôi giày. Đối với phần vệ sinh, nếu như đánh giày truyền thống chỉ vệ sinh cơ bản ở bề mặt da giày thì chăm sóc giày mang đến sự trải nghiệm về vệ sinh chuyên sâu và toàn diện bao gồm phần lót giày, lòng trong giày, đế giày, dây giày, các khe kẽ và chỉ khâu giày. Đặc biệt là các sản phẩm vệ sinh chuyên dụng không gây tổn thương da, không bào mòn và làm khô da, ảnh hưởng đến màu sắc nguyên bản như đánh giày truyền thống dùng cồn pha loãng, nước xà phòng, oxi già. ( Những dung dịch không chuyên dụng đặc biệt gây nguy hại đến độ bền đẹp của da giày).
Nếu anh em hỏi mình điểm khác biệt lớn nhất giữa đánh giày truyền thống và chăm sóc giày chuyên nghiệp là gì ? Mình xin phép được chia sẻ về hai yếu tố chính. Bao gồm việc vệ sinh chuyên sâu (tẩy bỏ xi cũ lâu ngày) và đặc biệt là bước dưỡng da. Hai yếu tố này ở đánh giày truyền thống hoàn toàn không có. Và anh em khi đã nhập môn đam mê giày Tây, giày da thì đều nên trang bị riêng cho mình một loại dưỡng da giày phù hợp để có thể tự mình dưỡng da thường xuyên cho giày nhé !
Chăm sóc giày thực sự chú trọng đến từng chi tiết dù nhỏ nhất, mang lại cảm giác chân thực tốt hơn cho khách hàng khi sử dụng lại giày sau quá trình chăm sóc. Đảm bảo việc giày sạch, thơm, bóng là 3 yếu tố hàng đầu. Nhưng không thể không nhắc đến tính chất da giày được cái cải thiện và nâng cấp từ bên trong, để da giày trở nên bền bỉ hơn, dẻo dai hơn và mềm mịn hơn. Thời gian phải quay trở lại với lần chăm sóc kế tiếp cũng sẽ được rút gọn, tinh giản và tiết kiệm hơn.
*** Tổng kết :
Sẽ thật không công bằng nếu so sánh trực tiếp,hai cách xử lý giày này với nhau, bởi công cụ và sản phẩm hỗ trợ giúp ích việc đánh giày đã khác nhau ngay từ bước đầu tiên trong quy trình rồi. Mình vẫn hay ví von đánh giày truyền thống giống như cốc mỳ ăn liền chỉ cần mở nắp và đổ nước sôi xong đợi 2 phút là ăn được liền. Nó phục vụ cho sự tiện lợi, nhanh chóng và lấp đầy dạ dày ngay lập tức. Còn chăm sóc giày có thể như việc bạn thưởng thức bát mì áp chảo với đầy đủ hương vị, thịt bò, rau củ, thêm nếm các thứ với chanh, dấm ớt khi ở một quán ăn vậy. Điều hiển nhiên là bát mì nấu sẽ có giá cao hơn hẳn so với một cốc mỳ ăn liền. Và dịch vụ chăm sóc giày khi so trực tiếp với đánh giày truyền thống cũng tương tự.
Tuy nhiên, mục đích cuối cùng vẫn là khiến khách hàng hài lòng với dịch vụ. Và việc lựa chọn nhanh chóng, tiện lợi hay chất lượng bền lâu với nhiều tầng giá trị hơn ở phía sau hay không thì đó là quyền quyết định của mỗi người.
Bạn lựa chọn loại hình dịch vụ nào trong hai loại hình kể trên? Đánh giày truyền thống và chăm sóc giày chuyên nghiệp? Hãy để lại comment ý kiến và cảm nhận của bạn ở dưới bài viết này để mọi người cùng thảo luận!